Dòng người di cư và tị nạn đang ngày càng gia tăng ở biên giới Belarus với Ba Lan và các nước vùng Baltic, khiến cho các quốc gia này buộc phải mở rộng các biện pháp bảo vệ an ninh biên giới và ngăn chặn các dòng người di cư tràn vào châu Âu qua các tuyến đường của các nước này.
Thống kê từ ba quốc gia láng giềng Belarus cho thấy, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn khoảng 150.000 nỗ lực vượt biên trái phép của người di cư, chủ yếu ở Ba Lan.
Kể từ năm 2021, lực lượng biên phòng Ba Lan đã ngăn chặn gần 100.000 nỗ lực vượt biên trái phép của người di cư từ Belarus vào Ba Lan, tiếp theo là Latvia với khoảng 25.000 và Litva với 22.000. Theo báo cáo thống kê, năm 2021 ghi nhận con số cao nhất với hơn 52.000 lượt cố gắng nhập cư trái phép vào EU từ Belarus, tiếp theo là năm 2023 với 43.000 và năm 2022 với khoảng 31.000.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lực lượng biên phòng của 3 nước Ba Lan, Latvia, Litva đã ghi nhận hơn 20.000 lần vượt biên vào EU. Các cơ quan chức năng Ba Lan báo cáo có trung bình 400 lượt/ngày của những người di cư tìm cách vượt biên trái phép vào nước này và tiếp tục hành trình tới Đức và Vương quốc Anh.
Kể từ năm 2021, Ba Lan, Litva và Latvia đã chi hàng trăm triệu euro để bảo vệ biên giới của mình bằng hàng rào dây thép gai và được trang bị các thiết bị camera và cảm biến chuyển động. Số lượng bộ đội biên phòng và binh lính đồn trú ở biên giới các nước này cũng được tăng cường.
Trước đó, ngày 13 tháng 6, Ba Lan đã triển khai lại vùng đệm cấm nhập cảnh dài khoảng 60 km (40 dặm) dọc biên giới với Belarus nhằm tăng cường an ninh và kiểm soát tình hình di cư bất hợp pháp. Lệnh cấm tạm thời đối với việc lưu trú tại một số khu vực nhất định dài hơn 60km dọc biên giới Ba Lan - Belarus có hiệu lực trong vòng 90 ngày và có thể gia hạn. Vùng đệm sẽ được áp dụng trên hai khu vực biên giới có số lượng người định vượt biên trái phép nhiều nhất. Người phát ngôn Bộ đội biên phòng Ba Lan cho biết, mục đích chính của khu vực này là đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và các quan chức an ninh đang làm nhiệm vụ ở biên giới cũng như hạn chế hoạt động của những kẻ buôn người.
Các nhóm bảo vệ quyền của người tị nạn đã lên tiếng phản đối vùng đệm, cho rằng nó sẽ ngăn cản các hoạt động hỗ trợ nhân đạo với những người di cư. Ba quốc gia Ba Lan, Latvia và Litva đã nhiều lần bị các tổ chức nhân đạo chỉ trích vì cách tiếp cận xử lý khủng hoảng di cư. Các tổ chức phi chính phủ đã cáo buộc các nước vi phạm nhân quyền bằng cách sử dụng các biện pháp để trục xuất người di cư và người xin tị nạn.