Thời gian gần đây, được sự nới lỏng quy định của các nhà bảo trợ, Ukraine đã sử dụng một số vũ khí chính xác để tiếp tục tấn công các mục tiêu có giá trị cao của Nga. Nhưng các loại vũ khí này đã nhanh chóng bị Nga vô hiệu hóa.
Cách Nga vô hiệu hóa vũ khí công nghệ cao của Mỹ
Đạn pháo Excalibur mà Ukraine sử dụng đã cho thấy hiệu quả khi đưa vào chiến trường. Được dẫn đường bằng GPS, những quả đạn này đã bắn trúng xe tăng và pháo binh Nga với độ chính xác cao. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân đội Nga bắt đầu thích nghi, sử dụng khả năng tác chiến điện tử đáng gờm của họ. Các lực lượng Nga đã tìm cách can thiệp vào hệ thống dẫn đường GPS và ngòi nổ, khiến các quả đạn Excalibur bay chệch hướng hoặc không phát nổ khi chạm mục tiêu. Các chỉ huy Ukraine cho biết, vào giữa năm 2023, đạn M982 Excalibur do RTX và BAE Systems phát triển về cơ bản đã trở nên vô ích và không còn được sử dụng nữa.
Một số loại vũ khí khác thể hiện sự vượt trội về công nghệ của phương Tây cũng gặp phải số phận tương tự. Các quan chức quân sự Ukraine cho biết, biện pháp đối phó điện tử của Nga đã làm giảm đáng kể độ chính xác của tên lửa dẫn đường bằng GPS sử dụng cho hệ thống HIMARS. HIMARS từng được cho là loại vũ khí đảo ngược cuộc xung đột và mang lại lợi thế cho Ukraine vào mùa hè năm 2023.
Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết, một loại vũ khí hoàn toàn mới, là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, do Boeing và Saab của Thụy Điển sản xuất, đã thất bại hoàn toàn sau khi được Ukraine triển khai trong những tháng gần đây, một phần do thế mạnh về tác chiến điện tử của Nga. Lầu Năm Góc đã từ chối thảo luận về hiệu suất của các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine, với lý do bảo mật về an ninh.
Thời gian gần đây, được sự nới lỏng quy định của các nhà tài trợ, Ukraine đã sử dụng một số loại vũ khí chính xác để tiếp tục tấn công các mục tiêu có giá trị cao của Nga. Kiev đã phóng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình Storm Shadow để đánh phá một số sân bay, trung tâm chỉ huy và cơ sở liên lạc ở Crimea. Kiev cũng tuyên bố tấn công và phá hủy một hệ thống S-400 của đối phương.
Các quan chức quân sự Ukraine và các chuyên gia quốc phòng phương Tây cho rằng, không sớm thì muộn, Nga cũng sẽ tìm cách đối phó để làm giảm hiệu quả của những loại vũ khí trên.
Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết: “Chúng ta cần phải nhận thức được rằng sự thích nghi sẽ luôn diễn ra và trên thực tế quân đội Nga đã thích nghi với nhiều loại vũ khí khác nhau. Vũ khí mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ phát huy hiệu quả ngay sau khi chúng được triển khai, nhưng theo thời gian, đối thủ sẽ phát triển các biện pháp đối phó phù hợp”.
Sự thành công của Nga trong việc thực hiện các biện pháp tác chiến điện tử đã đặt ra vấn đề lớn về mặt chiến lược cho Mỹ và các đồng minh. Học thuyết quân sự phương Tây từ lâu đã dựa vào niềm tin rằng độ chính xác có thể đánh bại được số đông. Điều đó có nghĩa là các cuộc tấn công nhắm mục tiêu tốt có thể làm tê liệt đối phương có quân số đông hơn hoặc vũ khí nhiều hơn, giảm nhu cầu chi tiêu lớn cho quân đội, xe tăng và pháo binh.
Nhưng học thuyết này vẫn chưa được thử nghiệm cho đến khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Châu Âu, nhận định: “Có lẽ chúng tôi đã đưa ra một số giả định sai lầm. Trong 20 năm qua, chúng tôi đã làm điều đó với những phần tử như Taliban hay IS. Bây giờ chúng tôi làm điều đó với một đối thủ ngang hàng, đó là Nga”.
Trung tướng Esa Pulkkinen của Phần Lan lưu ý, một trong những bài học rút ra trên chiến trường Ukraine là cần phải phát triển các loại đạn pháo kiểu cũ không có hệ thống dẫn đường. Châu Âu hiện đang bắt tay vào việc sản xuất loại đạn dược này sau nhiều thập kỷ ngừng sử dụng. “Chúng miễn nhiễm với bất kỳ hoạt động gây nhiễu nào và chúng sẽ tấn công mục tiêu bất kể họ có khả năng tác chiến điện tử nào”.
Ông William LaPlante, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và bảo trì đã thừa nhận thành công của Nga trong việc vô hiệu hóa những loại đạn dược chính xác của phương Tây. “Họ đã làm điều đó rất tốt”, ông LaPlante nhấn mạnh.
Chiến thuật sử dụng UAV mới của Nga khiến Ukraine phải dè chừng
Trong mọi cuộc xung đột, việc triển khai một hệ thống vũ khí mới sẽ thúc đẩy đối phương phát triển các biện pháp đối phó để làm giảm tác dụng của nó. Điều này mở ra một chu kỳ mới của việc phát minh và đối phó, giống trò chơi “mèo vờn chuột”.
Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat cho rằng, Nga đã nâng cấp và sửa đổi các máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế khi Ukraine áp dụng những cách mới để phát hiện và bắn hạ chúng. Nga cũng không ngừng cải tiến tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để gây khó khăn hơn cho hệ thống phòng không mà phương Tây cung cấp cho Ukraine để đánh chặn chúng.
Đối với Ukraine, thời gian là một trong những yếu tố thiết yếu. Việc sử dụng một cách chậm chạp và thận trọng các hệ thống của phương Tây đã khiến Nga có thời gian giảm thiểu tác động của chúng.
Edward Stringer, cựu giám đốc của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: “Một trong những khía cạnh của xung đột là tốc độ thích ứng. Bên nào càng thích ứng nhanh thì bên đó càng có cơ hội giành lợi thế”.
Anna Gvozdiar, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine - cơ quan giám sát hoạt động sản xuất quốc phòng của đất nước - cho biết bà rất thất vọng trước việc một số nhà sản xuất phương Tây không thể thích ứng với xung đột. “Ukraine phải học cách thích ứng nhanh hơn vì chúng tôi đang ở tuyến đầu, chúng tôi phải đưa ra quyết định để tồn tại”, bà Anna Gvozdiar nói.
Một quan chức Ukraine nói rằng, nhiều loại vũ khí do Ukraine sản xuất như máy bay không người lái chỉ có thể được dùng trong thời gian ngắn, vì công nghệ không ngừng phát triển. “Điều này giống như việc cập nhật phần mềm trên điện thoại của bạn. Cả chúng tôi lẫn người Nga điều phải làm việc đó hàng ngày để bắt kịp công nghệ mới. Nhưng khi chúng tôi tiếp nhận vũ khí phương Tây, chúng tôi nhận ra rằng họ đôi khi vẫn sử dụng công nghệ cũ và không có sự đổi mới”.
Nhiều loại vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine là những hệ thống cũ đang bị quân đội Mỹ loại bỏ dần và thay thế bằng những sản phẩm hiện đại hơn, đắt đỏ hơn.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc “rất ý thức” về mối đe dọa của các biện pháp tác chiến điện tử mà Nga sử dụng và đã hợp tác chặt chẽ với Ukraine cũng như các đối tác trong ngành quốc phòng để nhanh chóng giải quyết mối đe dọa đó, đồng thời đảm bảo vũ khí chính xác của Mỹ vẫn hoạt động hiệu quả trong môi trường xung đột. Quan chức này cho biết thêm, trong một số trường hợp, bằng cách hợp tác với các đối tác trong ngành công nghiệp, Mỹ có thể đưa ra các lựa chọn cho lực lượng Ukraine trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.