Cấm phương tiện xe tải đi trên làn trái trên cao tốc đang được một số quốc gia trên thế giới nghiên cứu. Liệu Việt Nam có thể áp dụng giải pháp này?
Để tăng khả năng lưu thông của dòng xe, đảm bảo hiệu quả khai thác cao tốc, một số nước trên thế giới đã cấm xe tải nặng đi trên làn trái. Việt Nam có thể áp dụng giải pháp này hay không và chế tài nào để giám sát, xử lý phương tiện vi phạm?
Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, hiện nay một số nước đã nghiên cứu và cấm phương tiện xe tải đi trên làn trái trên cao tốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Anh Tuấn: Đây cũng là một trong những giải pháp quản lý dòng xe để chúng ta có thể khai thác cơ sở hạ tầng và đáp ứng nhu cầu đi lại của các phương tiện một cách tối ưu nhất. Trong đó, những phương tiện nặng và có tốc độ chậm hơn tốc độ bình quân của dòng xe thì họ sẽ yêu cầu không được đi trên những làn trái của đường cao tốc, giáp với dải phân cách giữa.
Tôi lấy ví dụ như đường cao tốc với tốc độ 120km/giờ thì thông thường những xe nặng, xe tải, xe khách sẽ khó để có thể đạt vận tốc đó, chở tải trọng lớn mà di chuyển với tốc độ cao trên làn nhanh nó sẽ gây ra những nguy hiểm cho con người và hàng hóa. Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia quy định không cho phép những phương tiện này đi ở làn nhanh, nhằm đảm bảo làn ưu tiên cho các phương tiện có thể lưu thông với vận tốc nhanh, góp phần cải thiện, vận tốc chung của dòng xe.
Khi chúng ta không quy định sẽ dẫn đến là các phương tiện nặng như xe tải, xe khách lớn họ không nhường đường là vì họ không vi phạm luật, nhưng về mặt tham gia giao thông thì nó sẽ gây ra những phản ứng và những ức chế tâm lý, từ đó dẫn đến những hành vi vượt quá tốc độ trên làn phải để vượt các phương tiện đó, hoặc chuyển làn liên tục để tránh các phương tiện nặng này. Đấy là hiện tượng xảy ra rất phổ biến hiện nay trên các tuyến đường cao tốc của chúng ta.
PV: Theo ông, chúng ta có thể thực hiện giải pháp này hay không?
Ông Vũ Anh Tuấn: Giải pháp này thì chúng ta có thể áp dụng đối với những tuyến đường mà có đủ làn xe.
Trong trường hợp những tuyến đường cao tốc mà có từ 3 làn xe trở lên là hoàn toàn có thể triển khai áp dụng giải pháp này. Bởi vì các phương tiện, dù là phương tiện nặng hay xe con đều có đủ không gian để chuyển làn trong trường hợp cần thiết.
Đối với đường hẹp thì sao, chúng ta giải quyết như thế nào? Tôi lấy ví dụ như đường cao tốc chỉ có 2 làn trong một chiều hoặc là một làn một chiều thì chúng ta sẽ phải có những giải pháp. Đối với đường 1 làn thì chúng ta sẽ phải có những giải pháp tạo các vùng, các khu vực mở rộng cho phép vượt xe. Tại những khu vực mở rộng cho phép xe đó thì chúng ta sẽ phải quy định xe nặng sẽ phải đi bên phải và xe con xe đi với tốc độ cao lúc đó sẽ vượt về bên trái.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là hoàn toàn có thể triển khai được trên cả những tuyến đường như vậy, nhưng chúng ta phải có những giải pháp về tổ chức giao thông, bố trí các vị trí mở rộng, những đoạn vượt để đủ đảm bảo an toàn các phương tiện lưu thông và ở đó chúng ta sẽ quy định các phương tiện nặng phải đi bên làn phải và các phương tiện nhanh sẽ được phép vượt bên làn trái.
PV: Triển khai ở Việt Nam sẽ gặp những vướng mắc gì và chúng ta giám sát việc triển khai thực hiện những phương tiện vi phạm như thế nào?
Ông Vũ Anh Tuấn: Điều này thực ra cũng khá đơn giản thôi, bởi vì trên hầu hết các tuyến đường cao tốc chúng ta hiện nay đều lắp các hệ thống ITS, hệ thống giao thông minh, trong đó các hệ thống camera giám sát. Những phương tiện nào vi phạm thì cực kỳ đơn giản thôi, chúng ta có thể xử phạt bằng nhiều hình thức, phạt nóng tại chỗ hoặc phạt nguội.
Với chế tài đủ mạnh thì chắc chắn là những hành vi vi phạm luật giao thông trên đường cao tốc như chúng ta đang bàn ở đây là xe nặng, xe tải không nhường đường cho các phương tiện khác vượt bên làn trái, hoặc là cố tình chiếm dụng làn đó thì bằng những giải pháp về giám sát bằng công nghệ hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra những hành vi đó và xử phạt.
Cái tiền đề, điều kiện để chúng ta triển khai được việc đó, là chúng ta phải đưa những chế tài này vào trong luật, luật hóa những điều này thì mới có cơ sở để triển khai ra thực tế.
Những nhà quản lý vận hành đường cao tốc khi đó mới có thể áp dụng những giải pháp này, chỉnh sửa các đoạn tuyến về mặt tổ chức giao thông, biển báo, ký hiệu, vạch sơn trên làn đường... Từ đó triển khai được thành công giải pháp này, đưa dòng xe chúng ta đang khai thác, vận hành hiện nay trở nên tối ưu, hiệu quả hơn, vừa mang lại giá trị, vừa giúp giải tỏa tâm lý, áp lực của người tham gia giao thông như hiện nay, đặc biệt là các phương tiện xe con lưu thông trên đường cao tốc gặp các hiện tượng đó.
PV: Xin cảm ơn ông!