Với công nghệ hiện nay, thế giới chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra tại vị trí cụ thể và trong thời điểm cụ thể. Chỉ có khả năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong một khu vực và thời gian nhất định
Thế giới chưa thể dự báo được vị trí và thời gian cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Trong thời gian trở lại đây, nhiều nơi trên cả nước xuất hiện sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người đặt ra những dấu hỏi lớn về công tác cảnh báo, dự báo thiên tai hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục KTTV) cho biết, trong các loại hình thiên tai, có những loại có thể theo dõi được quá trình diễn biến như áp thấp nhiệt đới, bão đang được cảnh báo, dự báo trước 3 - 5 ngày. Hay lũ trên các sông lớn như sông Cửu Long có thể dự báo trước 5-10 ngày, cảnh báo trước 15 ngày hoặc dài hơn…Tuy nhiên, có những loại hình thiên tai diễn ra trong quy mô rất hẹp, không nhìn thấy được quá trình diễn biến như lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét...
PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia
“Hiện nay, việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhà dân, thôn bản để giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản vẫn luôn là thách thức không chỉ của riêng Việt Nam mà ngay cả với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ,... Với công nghệ hiện nay, thế giới chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra tại vị trí cụ thể và trong thời điểm cụ thể. Chỉ có khả năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong một khu vực nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định”, PGS.TS Mai Văn Khiêm khẳng định.
Hiện nay, mức độ chi tiết cảnh báo tuy thuộc khu vực. Một số tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất thì trong bản tin của cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV) sẽ cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đối với các tỉnh chưa được điều tra, đánh giá chi tiết thì cảnh báo đến cấp huyện các Đài KTTV tỉnh sẽ cụ thể hóa, chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Các dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp vào hệ thống gồm số liệu ước lượng mưa từ 10 ra đa, và hơn 1500 trạm mưa tự động, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF... Tuy nhiên, SEAFFGS chưa thể hỗ trợ dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chỉ có thể hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa sinh lũ quét đối với mỗi tiểu lưu vực trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng; vùng nguy cơ sạt lở đất trong 24 giờ tiếp theo với tần suất cập nhật 6 giờ/lần,
“Việc cảnh báo đến các điểm cụ thể phụ thuộc khả năng dự báo mưa và số liệu điều tra khảo sát ở địa phương. So với trước năm 2021, đến nay đã có bổ sung chi tiết thêm các khu vực có nguy về sạt lở để theo dõi và cảnh báo. Ví dụ, đối với tỉnh Bắc Kạn đã điều tra xác định được hơn 400 vị trí có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất do đó các cơ quan dự báo KTTV sẽ theo dõi diễn biến mưa ở những điểm cụ thể đó để đưa các các cảnh báo phù hợp. Cách tiếp cận này thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng cho các địa phương khác khi chúng tác có đầy đủ số liệu điều tra về địa chất”, PGS.TS Mai Văn Khiêm thông tin.
Khó khăn trong công tác dự báo cảnh báo sạt lở đất hiện nay là gì?
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, những hạn chế trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất là do biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo KTTV.
Các lực lượng đang tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn tại điểm sạt lở ở Hà Giang
Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV còn quá thưa lại chưa thực hiện quan trắc và truyền số liệu tự động nên không đáp ứng được yêu cầu số liệu đầu vào của các mô hình dự báo.
Dự báo mưa định lượng còn hạn chế, chưa cho phép dự báo chi tiết đến từng con suối, từng xã, từng khu vực nhỏ. Các thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê nghiên cứu đầy đủ.