Nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực. Do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Cở sở đào tạo cần cập nhật chương trình
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đó chính là nguồn nhân lực. Nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp, tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo nghề, đại học hoặc sau đại học của Việt Nam thấp hơn rất nhiều trong khu vực, đứng sau các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines,..
Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức trong tiết thực hành tháng 9/2023
Ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc giải pháp phần mềm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam cho rằng, việc thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo, phương thức đào tạo để sinh viên tiếp cận sớm với kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là điều cần thiết.
Tuy nhiên, các trường hiện nay mới chỉ xây dựng chương trình đào tạo theo khung, tuy có tham khảo thực tế từ doanh nghiệp nhưng phương thức đào tạo, đánh giá, nội dung đưa vào chương trình thực sự vẫn chưa làm kỹ. Hơn nữa, việc thực tập ở doanh nghiệp chỉ kéo dài 1-3 tháng, do vậy sinh viên vẫn chưa đủ kỹ năng mà điều này cần phải rèn luyện qua nhiều môn học trước đó.
Ông Dũng mong muốn, nhà trường khi xây dựng các, chương trình đào tạo cần quan tâm chú trọng hơn nữa nội dung của môn học, khoá học, làm việc nhóm theo dự án. Các dự án đó có tính thực tiễn mà doanh nghiệp đã đang giải quyết. Từ đó sinh viên ngay trong trường đại học đã có thể tiếp cận với doanh nghiệp gián tiếp thông qua chương trình đào tạo.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Để một kỹ sư nhanh chóng bắt kịp công nghệ mới, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và công ty. Từ đó tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với công nghệ mới nhất, thực hành trên những dữ liệu mới bắt kịp với xu thế công nghệ.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, phụ trách Việt Nam, Pakistan và Banglades của công ty Synopsys cho biết, các công ty rất mong muốn tuyển được những kỹ sư có thể tham gia ngay vào các dự án. Tuy nhiên việc đào tạo kỹ năng cao trong lĩnh vực bán dẫn, ông Lâm nhận thấy nếu chỉ một mình trường đại học thì không có khả năng.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của doanh nghiệp buộc đối tác có sinh viên mới có thể triển khai, khi gửi kỹ sư của đơn vị đến thì trường đại học cũng phải có trung tâm thực hành cũng như bố trí được thời gian học hợp lý. Hiện nay ở Việt Nam, kỹ sư phải mất từ 6 tháng đến 2 năm đào tạo lại. Nếu như doanh nghiệp hợp tác sớm với nhà trường, cho sinh viên thực tập sớm thì hy vọng các bạn chỉ mất thời gian ngắn có thể trực tiếp tham gia vào dự án, từ đó tiếp tục học để phát triển cũng như có thu nhập tốt hơn, ông Lâm cho biết thêm.
Tưng tự ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cũng cho rằng, để phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, sự hợp tác giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp là ưu tiên.
Hiện Intel Việt Nam cũng hợp tác với nhiều trường để tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cho việc sản xuất chất bán dẫn với hơn 50.000 kỹ sư vào năm 2030. Ông Kenneth Tse cho biết: Intel cũng hợp tác với nhà trường để tạo điều kiện với cho sinh viên được thực hành các dự án và xử lý vấn đề trong lĩnh vực này. Đó là một trong những ưu tiên cho sinh viên để họ có sự chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ sau này.
Ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học này xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng, từ đó cải tiến chương trình đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên về lâu dài, việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao nói chung cần có định hướng.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc xây dựng, ban hành chiến lược đào tạo các ngành khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ bán dẫn cần xác định năng lực của các cơ sở đại học là nhu cầu cần phải làm và làm nhanh. Nếu không sẽ không đảm bảo chất lượng cũng như đầu vào của các chương trình này.