Lễ hội Trái cây Việt Nam lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã khép lại. Cơ hội và tiềm năng của thị trường này đối với trái cây Việt là điều không thể phủ nhận. Theo các doanh nghiệp hai bên, xây dựng chất lượng, thương hiệu và tăng cường quảng bá sản phẩm là yếu tố then chốt để trái cây Việt thâm nhập sâu và trụ vững tại Trung Quốc.
Quang cảnh giao thương, kết nối tấp nập tại Lễ hội Trái cây Việt Nam tổ chức ở Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh, đã phần nào cho thấy nhu cầu rất lớn đối với trái cây nhiệt đới của thị trường phía Bắc Trung Quốc – nơi các mặt hàng của Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều.
Ông Trương Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yongxin Heng Chang, người được mệnh danh là “Vua chuối” ở Tân Phát Địa, cho biết nhu cầu nhập chuối của công ty ông đối với Việt Nam là rất lớn, nhưng chất lượng là điều ông đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nghĩa: “Chuối của Việt Nam chiếm khoảng 30% hàng chúng tôi nhập, Campuchia tầm 40%, còn lại là hàng nội địa. Thông qua hội nghị kết nối giao thương tại Lễ hội Trái cây, chúng tôi tiếp xúc được thêm nhiều các chủ trang trại của Việt Nam. Chúng tôi dự định nâng lượng nhập khẩu chuối của Việt Nam lên từ 50%-60%. Hoa quả Việt Nam có nhiều lợi thế, tuy nhiên tôi mong rằng sẽ có nhiều hàng chất lượng cao hơn được nhập vào Tân Phát Địa”.
Ông Trương Trung Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty hoa quả Yongxin Heng Chang
Cùng chung nhận định, ông Hoàng Hương Mẫn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Freshcare Bắc Kinh – doanh nghiệp chuyên về sầu riêng, cho biết nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Ông dự đoán, lượng nhập khẩu loại trái cây này vẫn có thể tăng tới hàng chục lần trong tương lai. Do vậy, tại lễ hội lần này, ông đã lần đầu tiên tìm gặp các đối tác chế biến sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, với hy vọng có thêm nguồn hàng. Với sầu riêng tươi, ông chưa thực sự hài lòng do chất lượng không đồng đều.
“Việt Nam mới được mở cửa thị trường, nên giá cả tương đối cạnh tranh. Tuy nhiên, theo những gì tôi được nếm, hương vị sầu riêng Việt Nam hơi kém hơn một chút. Độ chín, hương vị, phân loại quả đều cần được cải thiện. Từ góc độ nhà máy, trang trại, việc kiểm tra phải được thực hiện nghiêm ngặt, để nâng cao chất lượng. Trên thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ coi trọng giá cả, mà điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng" - ông Mẫn chia sẻ.
Điều này cũng được ông Cố Triệu Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Chợ nông sản Tân Phát Địa xác nhận. Ông cho biết, Bắc Kinh không sợ hàng đắt tiền, chỉ sợ hàng không tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghĩ cách để người tiêu dùng Trung Quốc biết tới nông sản của mình bằng cả hình thức “online và offline”.
Lễ hội Trái cây Việt Nam tổ chức ở Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, Trung Quốc
Là một trong những đại diện hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam tham dự lễ hội, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – ý thức rất rõ những điều này. Bà đánh giá, Trung Quốc giờ đã là thị trường khó tính. Bắc Kinh là thị trường cao cấp trong đó và người Bắc Kinh không lăn tăn chi tiền mua trái cây chất lượng cao. Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, với bà là con đường duy nhất có thể làm ăn lâu dài và bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Theo bà Vy: “Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn hay nói: ‘Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương.’ Quan trọng nhất là chúng ta phải mang đến giá trị thực sự cho người tiêu dùng. Không có gì thay đổi là phải cải thiện chất lượng sản phẩm. Thương hiệu sản phẩm là thứ mà khách hàng có thể đặt niềm tin và phải giữ chất lượng bền vững lâu dài".
Việc tăng cường quảng bá cho trái cây Việt Nam cũng đã được đưa vào nghị trình của Bộ Công thương, một trong hai đơn vị đứng ra tổ chức Lễ hội Trái cây Việt Nam lần này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, cho biết: “Lễ hội lần này đã góp phần thay đổi tư duy về kinh doanh bài bản của doanh nghiệp Việt Nam, nhằm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp và Hiệp hội Rau quả Việt Nam để tổ chức lễ hội này thường xuyên, liên tục, hàng năm, không chỉ ở Bắc Kinh, mà cả các tỉnh ở phía Bắc Trung Quốc".
Theo ông Đặng Nguyên Phúc, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nay và đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục 5 tỷ USD. Trong 5 loại trái cây nhập khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, Việt Nam có 4 loại là sầu riêng, chuối, măng cụt và dừa.
Nói như ông Lý Ngạn - Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây tại Bắc Kinh. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc”, từ đó tổ chức sản xuất bài bản, để trái cây và sản phẩm từ trái cây của Việt Nam thành công chinh phục và thâm nhập sâu vào thị trường 1,4 tỷ dân.