Những năm gần đây, nông dân tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chị Nguyễn Thị Hồng Mơ đang từng bước thành công với mô hình độc đáo trồng dâu tằm, nuôi chuột Hamster gắn với du lịch sinh thái.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mơ ở ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, chị có 1ha đất trước đây chỉ trồng xoài Đài Loan. Tuy nhiên, loại cây trồng này hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đầu ra không ổn định. Cách nay 3 năm, chị Mơ đã cải tạo mảnh vườn và mua cây dâu tằm từ Đà Lạt về trồng.
Ban đầu chị trồng thử vài cây, sau khi thấy cây thích nghi với vùng đất mới, phát triển tốt và nhu cầu tiêu thụ trái của người dân trong vùng tăng cao nên chị đã mạnh dạn trồng thêm gần 700 cây. Hai năm gần đây, mỗi năm chị Mơ thu hoạch hai vụ trái, mỗi vụ cho sản lượng khoảng 5 tấn. Với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, chị Mơ thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ. Trái dâu tằm chủ yếu được chị Mơ bán sỉ cho các tiểu thương trong vùng và TP. HCM hoặc bán lẻ thông qua các trang mạng điện tử.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mơ chia sẻ: “Xoài Đài Loan lúc trước tôi trồng bán mấy chục ngàn một ký, mà hiện tại chỉ còn 2.000-3.000, 4.000-5.000/kg. Cho nên, tôi quyết định đốn hết xoài Đài Loan để trồng cây dâu này”.
Bên cạnh trồng cây dâu tằm, chị Mơ còn phát triển thêm mô hình nuôi chuột Hamster, nuôi gà thả vườn, nuôi cá dưới ao theo mô hình sản xuất tuần hoàn, lấy phụ phẩm của cây trồng, vật nuôi này để làm nguyên liệu đầu vào cho các loại cây trồng, vật nuôi khác. Nhờ mô hình khép kín này mà chị Mơ giảm được chi phí đầu tư, tăng được hiệu quả kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Bây giờ tôi đang nuôi chuột Hamster. Những đồ thải của chuột thì tôi lấy ra ủ làm phân, còn những thức ăn dư thừa thì làm thức ăn nuôi gà vườn, nuôi cá. Hiện tại, tôi đang thả dưới mương 5.000 con cá tai tượng. Vườn dâu đang đăng ký mô hình Vietgap trái cây sạch, không có phun thuốc hóa chất trực tiếp vào trái mà chỉ dùng phân hữu cơ hoặc thuốc sinh học xịt để cây dâu tốt, phát triển".
Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, dâu tằm là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu, bệnh, sau 1 năm trồng cây bắt đầu cho trái. Mỗi đợt thu hoạch trái kéo dài 1 tháng và sau đó chỉ cần cắt tỉa cành, tuốt lá, bón phân để cho ra trái vụ kế tiếp. Mô hình của chị Mơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế nông hộ và mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Nhu cầu của người dân miền Tây đối với dâu tằm khá cao. Hiện nay người dân đã làm dâu tươi, làm si rô dâu, làm rượu dâu… vì nó chứa rất nhiều dinh dưỡng mà khi họ mua từ Đà Lạt về tới đây thì không còn tươi ngon nên mô hình này hiện nay đang là một lợi thế. Kết hợp với nuôi chuột Hamster cũng vậy, chúng đang là một loại vật nuôi “thú cưng” nên giá thị trường tại Hậu Giang rất cao. Về hiệu quả kinh tế, tính ra mô hình trồng dâu tằm kết hợp nuôi chuột Hamster cho lợi nhuận khá cao khoảng 300 triệu/năm, trong đó lợi nhuận trồng dâu khoảng 220 triệu và nuôi chuột khoảng 80 triệu đồng" - ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dâu tằm, nuôi chuột Hamster, chị Mơ còn có thêm thu nhập đáng kể từ nuôi cá, gà thả vườn. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động tại địa với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng từ công việc chăm sóc, thu hoạch dâu tằm.
Hiện chị Mơ đang tiếp tục đầu tư, quy hoạch lại vườn dâu để hình thành khu du lịch sinh thái. Bên cạnh việc trồng thêm các loại cây ăn trái để cho khu vườn thêm phong phú, chị Mơ còn phát triển các sản phẩm được chế biến từ quả dâu tằm như dâu sấy, rượu dâu, mật dâu,… để mở dịch vụ tham quan, trải nghiệm hái trái, ẩm thực miệt vườn. Bước đầu khu du lịch của chị đã đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.