Công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân người nước ngoài ở trại giam Vĩnh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), nơi đang quản lý khoảng 2/3 số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài trên phạm vi cả nước có gì khác biệt?
Sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời
Cử chỉ thân thiện, lời nói nhã nhặn, Melvin Van Zyl tạo cảm giác dễ chịu khi giao tiếp với những người xung quanh. Phạm nhân quốc tịch Nam Phi này đã thụ án ở đây 5 năm.
Các cán bộ quản giáo trại giam Vĩnh Quang dành cho Melvin nhiều thiện cảm, còn người viết tò mò về Melvin trong quá khứ.
Melvin Van Zyl khi ở trại giam Vĩnh Quang
Năm 2019, Melvin bị bắt khi mới đến Việt Nam 2 ngày rồi lĩnh án 10 năm tù giam vì vận chuyển trái phép 14,6 kg sừng tê giác. Vụ việc không chỉ xuất hiện trên các trang báo pháp luật, mà còn gây làn sóng phẫn nộ trên diễn đàn bảo vệ động vật. Kèm theo đó là hình ảnh “trẻ trâu” của Melvin, tóc tai ngỗ ngược, biểu hiện càn quấy, tay cầm chai bia.
Đối chiếu hình ảnh trước đây và bây giờ của Melvin, có thể cảm nhận sự khác biệt rõ rệt, trong đó có sự góp sức của cán bộ quản giáo nơi đây.
“Nói về các cán bộ công an Việt Nam, tôi sẽ dùng từ rất chuyên nghiệp. Họ rất giỏi chuyên môn nghiệp vụ, biết mình cần làm gì trong từng hoàn cảnh” – Melvin chia sẻ và giơ ngón tay cái “bấm like”.
Phạm nhân 33 tuổi kể lại câu chuyện của mình: “Khi mới bị bắt tôi cực kỳ hoảng sợ. Bạn thử tưởng tượng mình mới đến một đất nước xa lạ 2 ngày, rồi nhận án phạt 10 năm tù giam. Tôi không biết cuộc đời mình sẽ ra sao? Nhưng các cán bộ ở trại Vĩnh Quang đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi dần ổn định, giữ vững tâm trí, tập trung lao động và học tập cải tạo”.
Sau hơn 5 năm cố gắng cải tạo, Melvin là 1 trong 9 người nước ngoài ở trại giam Vĩnh Quang được đặc xá năm nay. Melvin lên đường trở về quê hương Nam Phi với dự định nối nghiệp kinh doanh kim loại của gia đình và sẽ đến Việt Nam du lịch trong tương lai.
Hy vọng của người mẹ lĩnh án tù Chung thân
Chiều xuống, Già Hơ Nàng May vừa hoàn thành việc trực vệ sinh. Phạm nhân quốc tịch Lào tháo địu, dắt con đi lẫm chẫm quanh sân. Các phạm nhân lướt qua đều khẽ dừng lại, vẫy chào và mỉm cười khi nhìn vào đôi mắt trong veo của cậu bé.
Bé Minh (tên tiếng Việt) vẫn còn trong bụng mẹ khi Già Hơ Nàng May bị bắt ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa vì vận chuyển 15 nghìn viên ma túy tổng hợp hồi tháng 4/2023. Theo cơ quan công an, Già Hơ Nàng May là một trong những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn qua biên giới giữa Lào và Việt Nam.
Bé Minh trong vòng tay mẹ
Bé Minh sinh ra tại Thanh Hóa, rồi theo mẹ tới trại Vĩnh Quang – nơi Già Hơ Nàng May chấp hành án tù Chung thân. Mới chập chững biết đi, bé Minh chưa thể hiểu hoàn cảnh của mẹ con mình, cũng như của gia đình mình.
Ở quê hương Lào, Già Hơ Nàng May đã có 3 con đang ở với người chồng cũ. Trong khi đó, người chồng hờ - bố bé Minh cũng bị bắt trong chuyến vận chuyển ma túy cùng Già Hơ Nàng May và đang chấp hành án tù 20 năm tại trại giam Vĩnh Quang.
Xuyên suốt cuộc phỏng vấn, Già Hơ Nàng May nhiều lần cúi mặt đáp “Chi Pâu” – “Không biết” trước những câu hỏi, bao gồm cả câu hỏi về tương lai khi bé Minh sẽ phải rời trại vào thời điểm 3 tuổi. Chỗ dựa duy nhất của người phụ nữ 38 tuổi lúc này là những cán bộ trại giam Vĩnh Quang.
“Bây giờ con nhỏ, ở đây còn có cán bộ giúp đỡ chăm sóc. Hàng ngày cháu nhỏ ăn bột, uống sữa, bánh cán bộ cho. Sau này tôi cũng chẳng biết như thế nào” - Già Hơ Nàng May nói nhát gừng.
“Khi cháu độ 3 tuổi thì nhờ cán bộ gọi người nhà xem có ai đón, còn không có ai đón thì nhờ cán bộ xem gửi được ở đâu” – Già Hơ Nàng May cho hay.
Công tác giáo dục phạm nhân nước ngoài ở trại giam Vĩnh Quang
Trại giam Vĩnh Quang hiện có hơn 400 phạm nhân người nước ngoài. Đây là nơi đang quản lý khoảng 2/3 số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài trên phạm vi cả nước.
Không phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo, tất cả các phạm nhân tại trại giam Vĩnh Quang đều được đối xử công bằng như nhau. Phạm nhân người nước ngoài cũng như người Việt đều hưởng chế độ chính sách, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc giáo dục và cải tạo phạm nhân người nước ngoài có những đặc thù riêng.
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám thị trại giam Vĩnh Quang
“Phạm nhân người nước ngoài ít có điều kiện được thăm gặp, động viên tinh thần, lại khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán. Nắm được tâm lý của phạm nhân người nước ngoài đang chấp hành án ở Việt Nam, ban giám thị luôn quan tâm về tư tưởng, gặp gỡ chia sẻ để phạm nhân yên tâm cải tạo. Ban giám thị cũng tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho phạm nhân người nước ngoài trong quá trình sinh hoạt, chấp hành án” - Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám thị trại giam Vĩnh Quang chia sẻ.
Ngoài sự quan tâm về tinh thần, ban giám thị trại giam Vĩnh Quang cũng chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào các dịp lễ tết nhằm tạo không khí sôi nổi cho phạm nhân, để phạm nhân yên tâm tư tưởng.
Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyến, cán bộ quản giáo đội phạm nhân nước ngoài tại trại giam Vĩnh Quang cho biết: “Một số phạm nhân chia sẻ với chúng tôi rằng ở nước họ không có những đợt giảm án, đặc xá như ở Việt Nam. Ngoài ra, ở Việt Nam có thêm phần đi lao động cải tạo, học nghề nên phạm nhân cũng thoải mái tư tưởng hơn so với việc chỉ ở trong buồng giam”.
Bên cạnh sự mềm dẻo, khéo léo vận động, các cán bộ trại giam Vĩnh Quang sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp phạm nhân cố tình vi phạm nội quy dù đã được giáo dục, thuyết phục. Các biện pháp khiển trách, cảnh cáo và các hình thức khác sẽ được áp dụng để đảm bảo được tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.
Trại giam Vĩnh Quang cũng duy trì lớp dạy tiếng Việt và áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để khắc phục rào cản ngôn ngữ nhằm chuyển tải nội dung, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, qua đó giúp phạm nhân người nước ngoài hiểu được tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam và cố gắng cải tạo, hướng thiện.