Thời điểm hiện tại, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải nhưng mức độ dự phòng công suất nguồn còn thấp. Hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh và có phương án huy động các nguồn linh hoạt
Thông tin về tình hình cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng và mùa khô năm 2024, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như thời tiết nắng nóng, phụ tải và công suất cực đại tăng cao so với cùng kỳ,… nhưng hoạt động cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân cơ bản đã được đảm bảo.
Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 151,69 tỷ kWh, cao hơn 776 triệu kWh so với kế hoạch năm. Sản lượng bình quân trong 6 tháng đạt 833,5 triệu kWh/ngày, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, công tác vận hành hệ thống điện đã được thực hiện bám sát Kế hoạch vận hành hệ thống do Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó huy động cao nguồn nhiệt điện than, các nhà máy thủy điện được huy động theo tình hình thủy văn, nước về các hồ thủy điện với mục tiêu giữ nước để đảm bảo nguồn điện cho các tháng cao điểm cuối mùa khô năm 2024.
Công nhân Truyền tải điện Gia Lai kiểm tra hệ thống tiếp địa bảo vệ chống sét, tránh sự cố do sét trong đợt cao điểm mưa giông
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, căn cứ vào diễn biến phụ tải thực tế tháng 6/2024, các bản tin nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm và tính toán của EVN, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng nhu cầu công suất phụ tải, tuy nhiên mức độ dự phòng công suất nguồn điện còn thấp.
“Trong tháng 7/2024, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất. Trong trường hợp này sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện”, vị đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức,... nhằm đáp ứng phụ tải đỉnh, cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.
Công nhân Truyền tải điện Bình Thuận đo nhiệt độ mối nối trên đường dây
Đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải
Để đảm bảo điện cho 6 tháng cuối năm tại khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, những ngày này hàng trăm cán bộ công nhân của Công ty truyền tải điện 3 (PTC3) đã tự nguyện đăng ký tham gia tăng cường, hỗ trợ cho việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Số nhân lực còn lại đang phải nỗ lực từng ngày để đảm bảo công việc quản lý vận hành đường dây hiện hữu.
Tại tỉnh Gia Lai, Công ty truyền tải điện tại đây đang quản lý vận hành hơn 369km đường dây 500kV, hơn 447 km đường dây 220 kV. Anh Phạm Quang Thảnh, thuộc Đội truyền tải điện Biển Hồ, Truyền tải điện Gia Lai - Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) cho biết, từ giữa tháng 5, các thành viên trong đội phải thức dậy từ 5h sáng để bắt đầu công việc ngày mới, thực hiện kiểm tra và xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố trên tuyến.
“Đội phải tăng cường thêm thời gian để việc kiểm tra hoàn tất trong vòng 13-15 ngày. Thời gian còn lại sẽ xử lý những vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố, đặc biệt lên kế hoạch ưu tiên cho các vị trí nguy cơ cao”, anh Phạm Quang Thảnh cho hay
Thời điểm này, toàn bộ các đội truyền tải điện của Công ty Truyền tải điện Bình Thuận cũng đều tăng ca, tăng thời gian làm việc để quản lý vận hành hơn 320km đường dây 500 kV, gần 300 km đường dây 220 kV. Ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận cho hay, để hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ hiện nay, toàn bộ các đội truyền tải trước khi đi tăng cường cho đường dây 500 kV mạch 3, đều đã xử lý sớm các công việc dọc tuyến gây nguy cơ mất an toàn như phát quang cây cối, kè móng, sửa chữa sớm các điểm xung yếu…
Công nhân Truyền tải điện Gia Lai thường xuyên kiểm tra tại các vị trí cột xung yếu
Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải, cung cấp điện ổn định các tháng cao điểm mùa khô 2024, ông Huỳnh Quang Thịnh, Trưởng phòng Kỹ thuật PTC3 cho biết, PTC3 đã có những phương án bố trí, sắp xếp nhân sự hợp lý cho từng địa bàn cụ thể. Đồng thời tăng cường kiểm tra quản lý kỹ thuật vận hành, kết hợp triển khai các giải pháp kỹ thuật phù hợp đối với từng tuyến đường dây và trạm biến áp.
“Đơn vị đã tổ chức kiểm tra hiện trường lưới điện, đặc biệt là lưới điện 500kV trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng). Công tác kiểm tra tập trung về quản lý, kiểm soát hành lang lưới điện và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa sự cố đặc biệt là sự cố do sét. Đo kiểm tra trị số tiếp địa định kỳ, đột xuất; xử lý các tồn tại, khiếm khuyết thiết bị đồng thời kiểm tra, theo dõi, lập và duyệt phương án sữa chữa hệ thống tiếp địa…”, ông Thịnh cho biết.
Dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương so với kế hoạch năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt, do đó việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo. Cục Điều tiết Điện lực cho biết sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, như nâng cao hiệu quả điều hành hệ thống điện và thị trường điện; đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình điện và tiếp tục thực hiện điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đàm phán giá với các dự án chuyển tiếp; ký kết hợp đồng mua bán điện với các dự án đã đến kỳ hòa lưới theo quy định của pháp luật.