Phục hồi dòng sông ô nhiễm ở Việt Nam có thành công hay thất bại chính là cơ chế để vận hành. Vì vậy quản lý các dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính như hiện nay.
Thành hay bại là do cơ chế để vận hành
Hiện nay tại ở Hà Nội và một số địa phương có những dòng lớn nhỏ bị ô nhiễm trầm trọng, biến thành những "dòng sông chết" vận chuyển nước thải như kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Đáy... Các địa phương này đang nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường để hồi sinh những "dòng sông chết" này, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm những dòng sông được cải thiện chậm khiến người dân không khỏi lo ngại.
Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi các dòng sông chết. Tuy nhiên, hiện cách làm phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ mà chưa có giải pháp tổng thể".
Theo ông Châu Trần Vĩnh, một số phương án phục hồi các dòng sông đã được đặt ra như việc thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt từ khu dân cư. Đồng thời thu gom cả nước thải ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp phát sinh từ phân bón, thuốc trừ sâu... Sau đó sẽ đến khâu tạo nguồn dòng chảy cho dòng sông.
"Để làm được việc này, cần phải đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực. Bởi vì việc phục hồi dòng sông thành hay bại chính là cơ chế để vận hành. Việc xây dựng một công trình thu gom, xử lý nước thải, trạm bơm tiếp nước không khó nhưng để duy trì nó thì cần phải có cơ chế rõ ràng cho nhà đầu tư tham gia xử lý, vận hành", ông Châu Trần Vĩnh nêu quan điểm.
Sông Nhuệ ô nhiễm trầm trọng, chảy ngược ra sông Hồng
Quản lý các dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính
Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, đơn vị này đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025, nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5-7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.
Theo Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông này, sẽ có hai phương án, một là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, rồi sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội. Hướng thứ hai sẽ làm chương trình tổng thể trên toàn quốc đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Ông Châu Trần Vĩnh cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và lựa chọn phương án nào sao cho phù hợp để triển khai là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm chung tay xử lý nước thải đồng bộ và xử lý dòng chảy lưu thông.
Dòng nước ô nhiễm trầm trọng hòa vào sông Hồng
Một giải pháp nữa để phục hồi các "dòng sông chết” đó là việc quản lý các dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính. Vì vậy, Khi Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông gồm: Sông Hồng - Thái Bình, sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ và sông Mê Công để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh và các bộ, ngành.
Mỗi một Ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là Tiểu ban nằm trong Ủy ban lưu vực sông. Dự kiến, trong Uỷ ban lưu vực sông có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo đồng bộ, liên tục, vận hành, điều phối liên ngành chứ không còn là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị.