Giá cả tăng vọt và tình trạng thiếu điện có thể ảnh hưởng đến người dân Hungary trong vòng vài tuần tới sau khi Kiev áp đặt lệnh cấm một phần dầu của Nga đi qua lãnh thổ của mình.
Hiện tại, Hungary đang chạy đua với thời gian để giải quyết bài toán năng lượng và thiếu nhiên liệu sau khi Ukraine áp đặt lệnh cấm một phần dầu của Nga đi qua lãnh thổ nước này.
Tháng trước, Kiev đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn việc vận chuyển dầu thô qua đường ống do công ty dầu khí tư nhân lớn nhất Moscow, Lukoil, bán sang Trung Âu. Giới phân tích cho rằng mục tiêu của Ukraine là ngăn chặn nguồn thu chính phục vụ cho cuộc chiến đang diễn ra ở nước này.
Tuy nhiên, động thái này đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Budapest, quốc gia bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga với khoảng 70% lượng dầu nhập khẩu. Giới chuyên gia cũng cho người dân Hungary có thể phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu điện chỉ trong vài tuần tới.
Theo nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, chỉ riêng trong tháng 4 năm nay, Hungary đã chi gần 250 triệu euro để mua dầu thô và khí đốt của Nga. Cuối tuần này, Bộ trưởng ngoại giao Péter Szijjártó cho biết biện pháp của Ukraine có thể đe dọa đến an ninh năng lượng lâu dài của Hungary, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ Kiev về động thái này.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đầu tuần, ông Szijjártó lập luận rằng nước này đã bắt đầu đàm phán với Moscow để tìm nguồn cung cấp dầu thay thế từ Nga.
Vào ngày 19/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Ukraine đã đưa ra quyết định chính trị và tuyên bố tình hình trở nên nghiêm trọng đối với những quốc gia đang mua dầu của Nga.
Lệnh cấm vận chuyển dầu của Lukoil được đưa ra khi mối quan hệ giữa Kiev và Budapest ngày càng căng thẳng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này đã chỉ trích thủ tướng Hungary Viktor Orbán vì đã gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin như một phần của "sứ mệnh hòa bình" tự tuyên bố trong tháng này. Budapest cũng liên tục trì hoãn việc giao vũ khí của EU cho Kiev.
Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, EU đã áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu của Nga đến khối này bằng đường biển. Nhưng EU đã miễn trừ nguồn cung cấp qua đường ống bao gồm cả nguồn cung cấp qua đường ống Druzhba đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, để các quốc gia này có thời gian tìm nguồn cung cấp thay thế.
Nhà nghiên cứu Gizińska cho biết Budapest hiện có thể đàm phán thêm về việc nhập khẩu từ Rosneft hoặc tăng nguồn cung từ Croatia thông qua Đường ống Adria. Trong trường hợp khẩn cấp, Hungary cũng có thể giải phóng một số lượng dầu dự trữ chiến lược khẩn cấp đủ dùng trong 90 ngày.