Mặc dù lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra ở khu vực công có quy mô không lớn. Thế nhưng, giá cả đã tăng theo lương từ nửa tháng nay, gây nhiều khó khăn với người dân thủ đô.
Sau một hồi đi khắp chợ cân nhắc giá cả, chị Nguyễn Hải Yến ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội quyết định mua 2 bó rau muống, 5 bìa đậu và nửa cân thịt lợn. So với giá cả hàng hóa tháng trước, mỗi bữa ăn nhà chị đã bị tăng đội thêm 20-30% mức tiền cần chi.
“Từ ngày 1/7 thì công chức viên chức, người lao động lực lượng vũ trang được tăng 30%. Với chúng tôi là công chức cấp xã phường thị trấn, đến thời điểm này chưa được nhận theo lương mới mà theo hướng dẫn thì phải đến tháng 8 thì mới chính thức nhận và được truy lĩnh tháng 7.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sinh hoạt phí của người cán bộ công chức đi chợ xăng dầu tăng, thịt cá tăng và rau xanh cũng tăng. Rau tăng từ 5.000 đồng đã lên đến 8.000 đồng mớ rau. Thịt từ 11.000 đồng/g lên đến 13.000 đồng/g. Những phụ phí tăng mà bản chất chúng tôi giờ như thế này là quá sức với cán bộ công chức kể cả lương có tăng thêm 30%” - chị Nguyễn Hải Yến chia sẻ.
Khi giá cả hàng tiêu dùng “chạy” trước lương
Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh khu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, giá thịt lợn ba chỉ, bắp giò… đã tăng từ 120.000-130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg; giá rau xanh cũng tăng từ 2.000-3.000 đồng/mớ; giá trứng vịt tăng từ 35.000 đồng/chục lên 38.000 đồng/chục…
Không chỉ thế, giá đồ ăn sáng tại các quán bình dân cũng tăng nhẹ, từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/bát bún; từ 35,000 lên 40,000 đồng/ bát phở…. Các mặt hàng tăng giá đều là hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, rau xanh…
Chị Nguyễn Thị Phương một tiểu thương bán rau tại Chợ 230, quận Long Biên cho biết, vì nhập rau cao nên buộc phải đẩy giá khi bán.
Giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng vì nhiều nguyên nhân, nhưng việc tăng này gây rất nhiều khó khăn cho người lao động
Có thể thấy giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng vì nhiều nguyên nhân, nhưng việc tăng này gây rất nhiều khó khăn cho người lao động. Số tiền lương hưu ít ỏi không đủ chi trả cuộc sống ở tuổi xế chiều, ông Nguyễn Quyết Tiến, một cán bộ giao thông vận tải về hưu đã nhận đi làm thuê bảo vệ tại các khu chung cư.
“Tăng lương hưu thì giá cả đã tăng hàng tháng nay rồi. Lương hưu tăng được 15% với diện của tôi cũng đỡ được phần nào. Mức lương này nói chung chỉ để lúc giá cả tăng chứ còn để trợ lực người về hưu dưỡng tuổi già là không có. Nhà nước tăng thì cứ mong đỡ được phần nào cho cán bộ công chức viên chức người về hưu nhưng không theo kịp với mức tăng giá thời buổi này.
Mọi thứ đắt đỏ cái gì cũng tăng, thịt tăng, cá tăng, rau củ hoa quả đều tăng, nói chung đều nhích lên hết. Giá cả tăng lên thế này nhiều cái ông không thể mua được” - ông Nguyễn Quyết Tiến nói.
Vấn đề lương tăng và giá cả “chạy đua” theo đã lặp lại trong nhiều năm gần đây. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát sau khi tăng lương.
Đặc biệt, cần có các giải pháp đảm bảo hạn chế được các tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tình trạng tăng lương nhưng kèm theo tăng giá, dễ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương. Chính phủ cần xem xét đánh giá những tác động có yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát sau những lần tăng lương trước để có hướng xử lý kịp thời.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ: “Tôi chỉ mong Chính phủ bù phần trượt giá để giữ nguyên phần kinh tế của người lao động không bị giảm do trượt giá, đây chính là mong muốn lớn nhất của tổ chức công đoàn”.