Đằng sau xung đột Ukraine, tổ chức SCO với nòng cốt là Nga và Trung Quốc, đang lớn mạnh không ngừng, với xu hướng trở thành đối trọng đáng gờm của khối quân sự NATO.
Sự trỗi dậy của SCO - thách thức lớn đối với NATO
Tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm khối quân sự mang tên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 9-11/7/2024, người ta dành nhiều chú ý cho cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Không nghi ngờ gì nữa, xung đột này là thách thức cấp bách lớn nhất đối với NATO.
Nhưng thách thức của NATO không dừng lại ở đó. Đằng sau xung đột Ukraine, có một thách thức lớn hơn thế đối với NATO, đó là trật tự thế giới đang tái định hình cùng với việc Nga và Trung Quốc đang thắt chặt liên minh để đối chọi trực tiếp với phương Tây.
Minh chứng lớn nhất cho sự chuyển đổi này là hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra vào các ngày 3- 4/7 ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
SCO bắt nguồn từ cơ chế “Thượng Hải 5” do Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan thiết lập vào năm 1996. Cơ chế này chuyển mình trở thành SCO vào thời điểm 5 năm sau đó, khi này có thêm Uzbekistan.
Sau đó, Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO vào năm 2017, Iran vào năm 2023. Belarus được kết nạp vào SCO tại hội nghị thượng đỉnh của khối này vào đầu tháng 7. Afghanistan và Mông Cổ có tư cách quan sát viên trong SCO. Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 14 đối tác đối thoại của tổ chức này ở khắp châu Á và vùng Nam Kavkaz.
Có dấu hiệu rõ ràng về việc Nga và Trung Quốc nuôi tham vọng xây dựng SCO trở thành một đối trọng hiệu quả hơn với phương Tây. Các phát biểu và thông cáo báo chí của hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc cho thấy phương Tây cần phải để ý nhiều hơn đến SCO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng phát biểu mở đầu của mình tại một cuộc họp cùng với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề SCO để tuyên bố về sự thành công của liên minh Nga - Trung. Ông Putin nói: “Quan hệ Nga - Trung Quốc, quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược của chúng ta, đang trải qua thời kỳ lịch sử tốt đẹp nhất”.
Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Putin. Ông Tập lưu ý rằng Nga và Trung Quốc “nên giương cao khát vọng về tình hữu nghị lâu dài, nỗ lực không ngừng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta, bảo vệ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.
Phát biểu tại thượng đỉnh SCO 2024, Tổng thống Nga Putin bày tỏ niềm tin rằng “một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực”. Ông bổ sung: “Những liên kết như thế này là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình phát triển toàn cầu và việc hình thành trật tự đa cực thực sự”.
Quan điểm này của ông Putin được lặp lại trong tuyên bố của ông Tập: “Trong hoàn cảnh mới của kỷ nguyên mới, tầm nhìn của tổ chức chúng ta giành được sự ủng hộ rộng rãi, các nước thành viên SCO có bạn bè khắp thế giới”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói thêm rằng SCO cần “có một bộ giải pháp đầy đủ bên dưới các cơ chế hợp tác an ninh, bởi càng có thêm các lớp phòng thủ, chúng ta càng được bảo vệ”.
Ukraine phản kích Nga, tái chiếm lãnh thổ sát Kharkov và tập kích Crimea
Đối chọi trực diện phương Tây cả về an ninh và kinh tế
Các phát biểu nói trên là chỉ dấu rõ ràng nhất về việc Nga và Trung Quốc đang bắt đầu đồng nhất trong quan điểm coi SCO là đối trọng của NATO trong tương lai.
Cũng có những dấu hiệu tinh tế khác cho thấy Nga và Trung Quốc đang sử dụng những công cụ khác nhau để tăng cường vị thế của họ đối với phương Tây. Chiến lược của họ ở đây dường như là cố gắng làm suy yếu NATO, đồng thời tạo sự chia rẽ giữa Mỹ và các thành viên châu Âu trong NATO. Hiện Nga và Trung Quốc đang triển khai những bước đi nhằm thúc đẩy quan hệ với những nước là thành viên NATO nhưng có quan hệ thân thiện hơn với Nga và Trung Quốc, như là Hungary và Slovakia.
Cả ông Putin và ông Tập đều nhấn mạnh ý tưởng Á-Âu trong các phát ngôn chính thức của mình. Đối với hai ông, điều này đồng nghĩa với việc giảm vai trò của Mỹ trong khu vực.
Đối với Vladimir Putin, cách tiếp cận chủ yếu là “một hệ thống mới gồm các bảo đảm song phương và đa phương đối với an ninh tập thể trên lục địa Á-Âu”. Kế hoạch dài hạn của ông Putin ở đây là “làm giảm sự hiện diện quân sự của các quốc gia bên ngoài tại khu vực Á-Âu”.
Đối với Tập Cận Bình, lộ trình thiên về kinh tế, tập trung vào củng cố kết nối thương mại và cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc sẽ thực hiện điều này thông qua thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và các hành lang vận tải, như những gì ông Tập đã làm trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Kazakhstan ngay trước thềm thượng đỉnh SCO vừa qua.
Kế hoạch của Nga nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực
Tất nhiên hiện chưa rõ liệu hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc có thành công trong việc chuyển đổi SCO thành một đối thủ an ninh có uy lực trước NATO hay không. SCO hiện thiếu các cam kết phòng thủ tập thể giống như Điều 5 của Hiệp ước NATO. Các cấu trúc nội bộ của SCO còn yếu và nhiệm vụ an ninh được thể chế hóa duy nhất của khối này mới chỉ là đấu tranh chống khủng bố, được giao cho Cấu trúc chống khủng bố khu vực (SCO RATS).
Mối quan ngại chính của SCO hiện nay nằm ở Afghanistan (với nhiều vấn đề sau khi nhóm Taliban lên nắm quyền tại đây). Ngoài ra, SCO vẫn còn vướng vào nhiều mối bất hòa nội bộ giữa các thành viên chủ chốt của tổ chức này, như mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến Kashmir, hay giữa Ấn Độ và Trung Quốc về các vấn đề biên giới.
Nhưng phương Tây sẽ mắc sai lầm nếu coi thường SCO. Tổ chức này lớn hơn NATO rất nhiều, xét cả về lãnh thổ và dân số, cũng như về thế đứng ở châu Âu thông qua Nga và Belarus. Xét về kinh tế, các nước SCO chiếm tới 30% GDP toàn cầu.
Khi Nga và Trung Quốc liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa, ảnh hưởng của họ trên khắp cõi Á-Âu chắc chắn sẽ mở rộng và phát triển.