Nga cuối tuần qua chỉ trích việc Mỹ tăng cường hoạt động do thám bằng máy bay không người lái trên Biển Đen, đồng thời cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai nước.
Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do những tranh cãi liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, việc Mỹ gia tăng hoạt động do thám bằng máy bay không người lái trên Biển Đen làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra sự cố liên quan đến máy bay quân sự Nga, cũng như nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa 2 nước. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã yêu cầu Bộ Tổng tham mưu đề xuất các biện pháp ứng phó hiệu quả trước các hành động khiêu khích. Phía Nga cho rằng, những thiết bị bay không người lái của Mỹ được sử dụng để do thám và giúp Ukraine xác định mục tiêu cho các loại vũ khí chính xác do phương Tây cung cấp để tấn công các cơ sở của Nga.
Một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga được nhìn thấy đang tiếp cận máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên Biển Đen vào ngày 14/3/2023, trong video do quân đội Mỹ công bố.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Mỹ tranh cãi về hoạt động của các máy bay không người lái của Mỹ tại Biển Đen. Tháng 3/2023, một máy bay không người lái của Mỹ đã lao xuống Biển Đen sau xảy ra va chạm với máy bay chiến đấu Su-27 của Nga. Đây là cuộc đụng độ trực tiếp đầu tiên giữa lực lượng Nga và Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh. Việc lặp lại một cuộc đối đầu như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng về cuộc xung đột tại Ukraine.
Sau một thời gian dài từ chối do lo ngại trở thành một bên tham gia trong cuộc xung đột tại Ukraine những tuần gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu đã bắt đầu cho phép Ukraine tấn công có điều kiện bằng vũ khí chính xác của phương Tây để tấn công các cơ sở quân sự của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước tuyên bố Nga nên bắt đầu sản xuất các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và cho rằng Mỹ đã bắt đầu sử dụng những tên lửa như vậy trong các cuộc tập trận ở Đan Mạch. Những tên lửa này trước đây bị cấm theo một hiệp ước ký với Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh, song văn kiện đã bị huỷ bỏ sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.
“Chúng tôi sẽ xem xét các bước tiếp theo liên quan đến lệnh cấm đơn phương triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên đất liền. Vài năm trước, Mỹ đã viện cớ rút khỏi văn kiện và tuyên bố sẽ sản xuất những hệ thống tên lửa như vậy. Năm 2019, Nga đã thông báo rằng chúng tôi sẽ không sản xuất những tên lửa này và sẽ không triển khai chúng trừ khi Mỹ triển khai ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Mỹ đã không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu để tập trận”. - ông Putin nói.
Trong một diễn biến liên quan, quân đội Belarus hồi tuần trước cho biết đã tăng cường lực lượng dọc biên giới phía Bắc Ukraine để đối phó với những gì mà nước này cho là sự gia tăng mối đe dọa an ninh. Belarus có chung đường biên giới dài hơn 1.000km với Ukraine và đây cũng là quốc gia đầu tiên mà Nga triển khai vũ khí chiến thuật bên ngoài lãnh thổ kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.