Cả Nga và Ukraine đang cố gắng phá vỡ huyết mạch hậu cần của đối phương, nhằm giành lợi thế trong cuộc xung đột.
Tầm quan trọng của tuyến hậu cần
Khi xung đột xảy ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo mạng lưới hậu cần vững chắc, giúp các binh sỹ trên chiến trường nhận được trang thiết bị vào đúng thời điểm. Nhận thức rõ điều này, Nga và Ukraine đã xây dựng mạng lưới hậu cần rộng lớn, cung cấp nguồn lực cho các đơn vị, trải dài trên mặt trận dài 1.000km.
Nga được cho là bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, còn Ukraine bắn khoảng 2.000 quá. Mỗi bên có hàng nghìn xe bọc thép, tiêu tốn số lượng lớn nhiên liệu diesel mỗi ngày. Nếu không có nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược liên tục, các lực lượng của cả Nga và Ukraine sẽ không thể chiến đấu hiệu quả. Do tính chất quan trọng và thiết yếu của nỗ lực tiếp tế, cả hai bên đang cố gắng gây gián đoạn hoặc phá vỡ các tuyến hậu cần của đối phương.
Kênh cung cấp của Nga là các kho dự trữ vũ khí và đạn dược lớn, chủ yếu nằm bên trong lãnh thổ nước này. Từ đây, họ vận chuyển trang thiết bị bằng xe tải đến các cứ điểm trên tiền tuyến tại Ukraine. Các lực lượng Nga hiện đang tiến hành nhiều hoạt động tấn công ở Ukraine, nhằm đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát thành phố Kharkov, Vovchansk và Chasiv Yar.
Một khi tuyến đường cung cấp bị gián đoạn, Nga sẽ gặp khó khăn khi phát động cuộc tấn công cơ giới vào các tuyến phòng thủ của Ukraine. Hồi đầu cuộc chiến, Nga đã phải đối mặt với những thách thức lớn về hậu cần, dẫn đến một số thất bại trong các cuộc tấn công ban đầu. Tuy nhiên, hoạt động hậu cần của Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn khi xung đột tiếp diễn. Bất chấp dấu hiệu lạc quan này, những hạn chế về mặt hậu cần trong thời gian gần đây đã khiến Nga phải thu hẹp quy mô của cuộc tấn công tại tỉnh Donetsk trong mùa hè.
Chiến lược của Ukraine
Để phá vỡ tuyến hậu cần của Nga, Ukraine đã sử dụng chiến lược hai giai đoạn. Trước hết, quân đội Ukraine triển khai máy bay không người lái nhằm phá hủy các kho tiếp tế của Nga. Vào đầu tháng 8, Ukraine đã tấn công các kho nhiên liệu của đối phương tại các khu vực Belgorod, Kursk và Rostov.
Trước đó vào tháng 7, Ukraine đã phá hủy một kho đạn dược của Nga ở Voronezh. Không dừng lại ở đó, Ukraine cũng chế tạo những máy bay không người lái tinh vi hơn nhằm phá hủy các kho dự trữ nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Các đợt tấn công của Ukraine đã buộc Nga phải triển khai hệ thống phòng không để bảo vệ những kho dự trữ này.
Tiếp theo, Ukraine nhắm mục tiêu vào các phương tiện tiếp tế của Nga. Nga sử dụng nhiều loại xe tải quân sự, chẳng hạn như GAZ-66 và KamAZ 43118, và các xe tải thương mại để chở hàng ra tiền tuyến. Mặc dù những xe tải tiếp tế này có khả năng di chuyển trên đường địa hình, nhưng chúng thường được sử dụng trên những tuyến đường bộ, đặc biệt là khi chở nhiên liệu và đạn dược. Tính chất cơ động hạn chế khiến chúng rất dễ bị máy bay không người lái và pháo binh đối phương tấn công khi tiến gần hơn đến mặt trận.
Trang web phân tích phòng thủ tình báo Oryxspioenkop ước tính, Nga mất khoảng 90 xe tải tiếp tế mỗi tháng. Tuy vậy, con số thiệt hại trên thực tế có thể còn cao hơn vì Oryxspioenkop chủ yếu dựa vào các hình ảnh và video thu thập được trên chiến trường.
Trong khi đó, Nga cũng đang nỗ lực tấn công các tuyến tiếp tế của Ukraine. Hồi đầu năm nay, Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể khi Ukraine cạn kiệt đạn pháo do phương Tây cung cấp. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, việc tiếp tế đạn dược của phương Tây cho Ukraine tương đối ổn định, nhưng Moscow đã cố gắng ngăn cản Kiev cung cấp cho các đơn vị trên mặt trận.
Ukraine có vành đai phòng thủ trải dài từ khu vực Kharkov ở miền Đông đến khu vực Kherson ở phía Nam. Do tuyến phòng thủ kiên cố của Ukraine, Nga chỉ đạt được những thành công nhỏ trong vài tháng gần đây. Tuy vậy, nếu Nga có thể cắt đứt tuyến tiếp tế của Ukraine, Kiev sẽ thiếu sức mạnh pháo binh để ngăn cản hoạt động tấn công của Nga.
Theo Forbes, Nga cũng sử dụng chiến thuật tương tự Ukraine nhưng thành công rất hạn chế vì Ukraine đang ở thế phòng thủ. Kiev đã nỗ lực mở rộng mạng lưới cung cấp vật tư cho tiền tuyến và bảo vệ chặt chẽ hơn các kho dự trữ của mình. Hơn nữa, Ukraine cũng tăng cường sử dụng các phương tiện phi quan sự để tiếp tế, khiến Nga khó nhắm mục tiêu hơn.
Để hạn chế tiềm lực của Ukraine, Nga đã lựa chọn tấn công các mục tiêu “mềm”, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng. Bên cạnh đó, Nga cũng áp dụng chiến lược khác. Thay vì tấn công trực tiếp vào kho dự trữ và xe tiếp tế của đối phương, Nga đã rải mìn trên các tuyến đường mà Ukraine sử dụng để tiếp tế. Với lượng mìn nổ dồi dào do pháo binh cung cấp, quân đội Nga có thể rải mìn chống tăng từ xa trên khắp các tuyến đường, khiến Ukraine không thể đi qua nếu không thực hiện nỗ lực rà phá bom mìn cẩn thận. Moscow thương đặt mìn chống tăng đi kèm với mìn chống bộ binh để cản trở quá trình rà phá. Nga được cho là đã sử dụng chiến thuật này ở tỉnh Kharkov để ngăn chặn nỗ lực tiếp tế của Ukraine khi họ chuẩn bị tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Từ xưa tới nay, các chuyên gia quân sự đều cho rằng một quốc gia không thể chiến thắng trong một cuộc chiến nếu không có mạng lưới hậu cần mạnh mẽ. Trong cuộc xung đột tiêu hao giữa Nga và Ukraine hiện nay – khi các bước tiến trên mặt trận bị hạn chế thì việc cả hai bên tập trung cắt đứt tuyến tiếp tế của nhau là điều tất yếu. Nếu một trong hai nước thành công trong nỗ lực này, họ có thể giành được lợi thế đáng kể trong cuộc xung đột, thậm chí xoay chuyển kết quả cuộc chiến.