Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sắp có bài phát biểu quan trọng về chương trình nghị sự kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ công bố sáng kiến chính sách lớn kể từ khi bắt đầu các cuộc vận động tranh cử vào Nhà trắng cách đây 3 tuần.
Kinh tế luôn là vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu và có thể quyết định cục diện cuộc đua bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có kế hoạch trình bày một số chi tiết trong kế hoạch kinh tế của mình trong bài phát biểu tại Bắc Carolina vào ngày 16/8. Trong đó, bà sẽ đề cập đến việc giảm chi phí và “tăng giá không hợp lý”.
Các số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy, lần đầu tiên trong gần 3 năm rưỡi qua, lạm phát đã giảm xuống dưới 3% vào tháng 7, nhưng giá cả thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ và chiến dịch của bà Kamala Harris sẽ cố gắng đảo ngược ưu thế của đảng Cộng hoà, vốn vẫn được xem là những nhà quản lý kinh tế tốt hơn so với đảng Dân chủ. Trong số các ưu tiên của bà có việc duy trì lời hứa của Tổng thống Joe Biden không tăng thuế đối với những người thu nhập 400.000 đô la Mỹ trở xuống một năm. Bà cũng muốn cân nhắc các khoản cắt giảm thuế mới cho các hộ gia đình trung lưu và đề xuất loại bỏ thuế đánh vào lương thưởng, điều mà chiến dịch của ứng cử viên đối thủ đảng Cộng hoà Donald Trump cũng đang hướng tới.
Bà Kamala Harris nhấn mạnh: “Lời hứa của tôi là nếu đắc cử Tổng thống, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho các gia đình lao động tại Mỹ, bao gồm việc tăng lương tối thiểu và xóa bỏ thuế đánh vào tiền thưởng cho nhân viên dịch vụ và khách sạn. Chúng ta đấu tranh cho tương lai. Nơi chúng ta xây dựng một nền kinh tế rộng khắp, nơi mọi người Mỹ đều có cơ hội sở hữu nhà, khởi nghiệp kinh doanh và tạo dựng sự giàu có. Chúng tôi tin vào tương lai nơi chúng ta hạ thấp chi phí sinh hoạt cho các gia đình Mỹ, để họ có cơ hội không chỉ để xoay xở mà còn để tiến lên”.
Vẫn nhắm đến việc thu hút tầng lưu trung lưu như chiến dịch tranh cử trước đây của Tổng thống Joe Biden, song bà Kamala Harris cũng cố gắng tạo ra sự khác biệt, với thông điệp “chung giá trị, khác tầm nhìn”. Theo các cố vấn của bà Kamala Harris, chương trình kinh tế của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ không khác biệt Tổng thống về mặt nội dung, nhưng sẽ nhấn mạnh những điểm quan trọng nhất. Bà Kamala Harris rất quan tâm đến các vấn đề tài chính cho các gia đình lao động, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, ủng hộ tín dụng thuế trẻ em, giúp giảm gánh nặng thuế cho các gia đình có thu nhập thấp.
Không phải tất cả các yếu tố trong chương trình kinh tế của bà Kamala Harris sẽ xuất hiện trong bài phát biểu ngày 16/8, và bản thảo của bài phát biểu vẫn đang được hoàn thiện. Chiến dịch của bà muốn tránh chia rẽ cử tri và tránh thu hút sự chỉ trích từ các nhóm doanh nghiệp về các chi tiết cụ thể, và sẽ "mơ hồ một cách chiến lược" trong các lĩnh vực như năng lượng.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tâm lý của cử tri sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm nay. Theo cuộc thăm dò của Thời báo Tài chính (Financial Times) và Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan (Mỹ) phối hợp thực hiện, 42% cử tri Mỹ được hỏi nói rằng họ tin tưởng bà Kamala Harris hơn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, so với 41% tin tưởng ông Donald Trump.
Tuy nhiên, các vấn đề của bà Kamala Harris cũng được cho là gắn liền với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Dù sức khỏe nền kinh tế Mỹ và số liệu việc làm vẫn tốt, nhưng ông Joe Biden đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri rằng các chính sách kinh tế của mình mang lại lợi ích cho người dân. Điều này vẫn tiếp diễn sau khi ông tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử.