Trong một khám phá mang tính đột phá, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái và Địa lý Tân Cương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một loài rêu sa mạc có khả năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt trên sao Hỏa.
Loài rêu sa mạc này (có tên Syntrichia caninervis) được phát hiện trong chuyến thám hiểm khoa học Tân Cương lần thứ ba của các nhà nghiên cứu. Nhóm đã tập trung nghiên cứu loài thực vật này và nhận thấy nó không chỉ thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của con người về khả năng chịu đựng của sinh vật trong môi trường khắc nghiệt, mà còn chứng minh được khả năng sống sót và tái sinh trong điều kiện mô phỏng trên sao Hỏa.
Kết quả nghiên cứu về rêu sa mạc được đăng trên trang bìa tạp chí The Innovation ngày 1/7
Điều này đồng nghĩa với việc loài rêu sa mạc này có thể trở thành dạng sự sống đầu tiên trên Trái Đất được đưa lên sao Hỏa. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trực tuyến trên tạp chí “The Innovation” ngày 1/7. Đây là tạp chí học thuật tổng hợp bằng tiếng Anh do các nhà khoa học trẻ Trung Quốc và Tập đoàn xuất bản Cell đồng sáng lập.
Dưới sự hỗ trợ của dự án thám hiểm khoa học Tân Cương, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái và Địa lý Tân Cương và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu “loài tiên phong” này trong môi trường sa mạc khắc nghiệt.
Thông qua các thí nghiệm khoa học, họ đã chứng minh một cách có hệ thống rằng loài rêu này có thể chịu được tình trạng mất nước trên 98% tế bào, tồn tại ở nhiệt độ siêu thấp tới -196℃ chỉ “đóng băng mà không chết”, chịu được bức xạ gamma trên 5.000Gy (Gray: đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa tuyệt đối) mà không chết và nhanh chóng phục hồi, chuyển sang màu xanh và tiếp tục sinh trưởng, cho thấy khả năng phục hồi phi thường.
Những phát hiện này đã đẩy xa hơn giới hạn hiểu biết của con người về khả năng chịu đựng của sinh vật trong môi trường khắc nghiệt.
Nghiên cứu còn cho thấy, trong điều kiện mô phỏng trên sao Hỏa với nhiều bất lợi, loài rêu này vẫn có thể tồn tại và tái sinh sau khi trở lại điều kiện thích hợp. Đây là báo cáo đầu tiên về thực vật bậc cao sống sót trong điều kiện mô phỏng trên sao Hỏa.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra được các đặc điểm độc đáo của loài rêu này. Các lá của nó chồng lên nhau giúp làm giảm sự bốc hơi nước, trong khi các đầu lá màu trắng có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời gay gắt. Ngoài ra, chế độ hấp thụ nước “từ trên xuống” của các đầu lá giúp hấp thụ và vận chuyển nước một cách hiệu quả. Hơn thế, rêu còn có thể chuyển sang trạng thái ngủ đông trao đổi chất có chọn lọc trong môi trường bất lợi và nhanh chóng cung cấp năng lượng cần thiết để phục hồi khi môi trường xung quanh được cải thiện.
Dựa trên khả năng chịu đựng môi trường khắc nghiệt của loài rêu này, nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiến hành các thí nghiệm trên tàu vũ trụ ở các hành tinh ngoài trái đất, để theo dõi phản ứng sinh tồn và khả năng thích ứng của loài này trong môi trường vi trọng lực và các nghịch cảnh bức xạ ion hóa khác nhau, làm sáng tỏ cơ sở sinh lý và phân tử của rêu, khám phá mật mã điều chỉnh khả năng chịu đựng then chốt, đặt nền móng cho các ứng dụng mở rộng loài rêu này ngoài vũ trụ trong tương lai.